Quy trình thi công: Công tác bê tông

Thi công đổ sàn bê tông cốt thép biệt thự 3 tầng 480m2

Công tác bê tông là một quá trình quan trọng trong xây dựng, liên quan đến việc chuẩn bị, vận chuyển, đổ và bảo dưỡng bê tông để tạo ra các cấu kiện bền vững và chắc chắn. Quá trình này đòi hỏi phải tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt về tỷ lệ trộn nguyên liệu (xi măng, cát, đá, nước) và quy trình thi công đổ bê tông. Bê tông sau khi đổ cần được bảo dưỡng đúng cách để đạt cường độ và độ bền tối đa, thường qua việc giữ ẩm và bảo vệ khỏi tác động môi trường trong giai đoạn đầu của quá trình đông kết.



Thi công đổ sàn bê tông cốt thép, diện tích 480m2.

I. Yêu cầu kỹ thuật của công tác bê tông

1. Bê tông trộn tay

– Đối với bê tông trộn tay thì nguyên vật liệu đầu vào phải đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Cát và đá phải đảm bảo TCVN 7570:2006, Cốt liệu cho bê tông và vữa – yêu cầu kỹ thuật. Xi măng đảm bảo theo tiêu chuẩn TCVN 6260:1997, xi măng pooc lăng hỗn hợp – yêu cầu kỹ thuật.

a. Vật tư trộn.

– Khi xi măng nhập về công trình, kỹ sư cùng với giám sát kiểm tra chứng chỉ chất lượng của lô xi măng và lập biên bản nghiệm thu vật tư. Lưu ý sắp xếp xi măng trong kho theo nguyên tắc (vào trước thì phải lấy ra dùng trước).

– Khi một nguồn cát, đá nhập về công trình thì kỹ sư cùng với giám sát kiểm tra chất lượng so với mẫu đã trình. Các bên tiến hành lập biên bản lấy mẫu để gửi đi thí nghiệm xác định các chỉ tiêu kỹ thuật của vật tư.

– Ngoài ra nước thi công phải đảm bão về yêu cầu kỹ thuật. TCVN 4506-87, nước cho bê tông và vữa – Yêu cầu kỹ thuật.

– Đơn vị thí nghiệm là đơn vị tư vấn độc lập do đơn vị thi công đệ trình và được sự chấp thuận của tư vấn giám sát hoặc chủ đầu tư. Khi tiến hành thí nghiệm phải có sự theo dõi đầy đủ của các bên.

– Căn cứ vào kết quả thí nghiệm để xác định nguồn vật tư cát, đá nhập về công trình có được sử dụng cho công trình hay không và thiết lập cấp phối trộn.

b. Cấp phối trộn và cách trộn.

– Căn cứ trên kết quả thí nghiệm cát, đá phòng thí nghiệm sẽ thiết kế bảng cấp phối trộn cho từng loại mác bê tông.

– Tính toán quy đổi cấp phối bê tông theo mẻ trộn (bao xi măng) và trình giám sát duyệt.

– Dán bảng quy đổi cấp phối tại các vị trí trộn.

– Đong cát, xi măng theo khối lượng vừa tính toán (xi măng theo bao, cát được xác định bằng thùng nhựa 20 lít hoặc tùy trường hợp tính toán quy đổi phù hợp).

– Dùng máy trộn vữa loại B 250 hoặc B 500 chạy bằng động cơ xăng;

– Thời gian trộn: 5-10 phút 1 mẻ trộn.

2. Bê tông tươi

Kiểm tra độ sụt bê tông và lấy mẫu thử bê tông trước khi đổ.

– Bê tông tươi khi nhập về công trình cần đảm bảo các điều kiện kỹ thuật về mác bê tông, độ sụt, nhiệt độ, thời gian từ lúc xuất xưởng và khi đến công trường.

– Thời gian: Giờ xuất xưởng ghi trên phiếu và giờ đổ bê tông ra cấu kiện không vượt quá 120 phút.

– Mác bê tông: So sánh với thiết kế của cấu kiện và phiếu giao hàng.

– Độ sụt: Thử độ sụt bê tông so với phiếu giao hàng. Bê tông được đổ vào nón sụt 3 lần, mỗi lần đầm 15 cái bằng thanh thép tròn đường kính 14, sau đó gạt phẳng và rút nón thử trong thời gian 5+-2s, dùng thước đo kiểm tra độ sụt.

– Nhiệt độ bê tông: Nhiệt độ bê tông tại thời điểm đổ không nên vượt quá 30 độ.

– Lấy mẫu:Lấy mẫu bêtông (3 khối 15x15x15cm) cho mỗi đợt 20m3 thực hiện, có dán ký hiệu riêng để đánh dấu trên mẫu và khu vực đổ bê tông trên bản vẽ.

– Ký hiệu yêu cầu đủ các thông tin:

  • Ngày đổ: … …/… …/… …,
  • Cấu kiện (sàn, dầm, cột),
  • Vị trí mẻ đổ (từ trục nào đến trục nào, tầng thứ mấy, …).

3. Giáp mối giữa các vùng đổ bê tông

– Khi đổ bê tông trên diện tính lớn cần tính toán vùng đổ sao cho giáp nối giữa các vùng trong cùng đợt đổ không bị trường hợp “vùng bê tông đổ trước đã bắt đầu ninh kết (bê tông bắt đầu khô) nhưng vùng bê tông đổ sau chưa đổ đến kịp”. Điều này phụ thuộc rất lớn vào hướng đổ bê tông và phân chia vùng đổ bê tông trong cùng đợt.

– Trong trường hợp đổ sàn bằng nhiều bơm phải sắp xếp bơm và hướng đổ bê tông hợp lý, nếu diện tích sàn quá lớn tùy theo tình hình có thể phân chia mạch ngừng đổ bê tông.

– Thời gian chờ giáp mối của vùng đổ không nên vượt quá 60 phút và còn tùy thuộc vào thời tiết khi đổ bê tông.

– Tham khảo tiêu chuẩn 4453-1995, Kết cấu bêtông và bêtông cốt thép toàn khối – Quy phạm thi công và nghiệm thu.

4. Đầm dùi

– Quá trình đổ bê tông phải được đầm liên tục và đều khắp vị trí đổ, để bê tông không bị rỗ.

– Cột, vách: Đổ vào chân cột, chân vách 1 lớp cao 30cm-40cm đầm kỹ sau đó tiếp tục đổ và đầm từng lớp 60cm-80cm cho đến cao trình dừng. Khi đầm lớp vừa đổ thì chày đầm dùi cắm vào lớp trước 20cm. Khi nào nước bê tông nổi đều trên tiết diện cột, vách thì ngừng đầm và đổ lớp tiếp theo. Tránh đầm quá nhiều làm bê tông phân tầng và ảnh hưởng đến cốp pha.

– Dầm sàn: Đối với dầm sàn có chiều cao lớn phải đổ và đầm bê tông theo từng lớp, trên sàn phải được cào bê tông và đầm đều (cào bê tông đến đâu đầm theo đến đó).

– Cầu thang: Đây là cấu kiện rất dễ bị rỗ do đó cần lưu ý khi đổ và đầm. Khi đầm bê tông phải kết hợp với cào và vuốt bê tông để hạn chế chảy bê tông. Khi bê tông đã ổn định nên kết hợp dùng búa gõ lại trên bề mặt cốp pha.

5. Bề mặt bê tông

– Đúng cao độ, bề mặt phẳng đều.

– Đối với cột, vách cao độ dừng đổ phải được đánh dấu lên thép hoặc cốp pha.

– Đối với sàn kiểm tra cao độ trong quá trình đổ bê tông bằng máy thủy bình và mia. Khi bê tông đã được cào trên mặt bằng thì người cầm mia khoanh vùng (đường kính 20cm) vị trí cần đánh dấu cao độ bằng bàn chà, dùng mia đặt lên vị trí khoanh vùng và đọc chỉ số so với cao độ chuẩn. Chỉnh sửa cao độ đến khi đạt cao độ chuẩn, khoảng cách giữa các vùng làm dấu móc thường cách đều 2m về 2 phương.

– Phải che chắn bề mặt bê tông khi trời mưa. Trong trường hợp trời mưa quá lớn buộc phải dừng công tác đổ bê tông thì cần xem xét đến vị trí mạch ngừng, xin ý kiến giám sát và tham khảo TCVN 4453-1995.

6. Bảo dưỡng bê tông.

– Bảo dưỡng bê tông: Ngâm hoặc tưới nước.

– Trong điều kiện bình thường, ngay sau khi đổ 4 giờ nếu trời nắng ta phải tiến hành che phủ bề mặt để tránh hiện tượng ‘trắng bề mặt’ bê tông rất ảnh hưởng đến cường độ.

– 3 ngày đầu phải tưới nước thường xuyên để giữ ẩm, khoảng 3 giờ tưới 1 lần, ban đêm ít nhất 2 lần, những ngày sau mỗi ngày tưới 3 lần.

– Tưới nước dùng cách phun bằng bình xịt, không được tưới trực tiếp lên bề mặt bê tông mới đông kết. Nước dùng cho bảo dưỡng, phải thoả mãn các yêu cầu kỹ thuật như nước dùng trộn bê tông.

– Với sàn mái có thể bảo dưỡng bằng cách xây be, bơm 1 đan nước để bảo dưỡng. Trong suốt quá trình bảo dưỡng, không để bê tông khô trắng mặt.

– Không được tác động lên kết cấu vừa đổ bê tông như ném thiết bị lên sàn…

Che phủ bề mặt tránh nắng cho bê tông mới đổ tại công trường Hoàng Gia RIC.

II. Biện pháp thi công.

1. Công tác chuẩn bị.

a. Lập bản vẽ trình tự đổ bê tông:

– Gửi tim cốt trước khi đổ bê tông, cao độ cốt đổ

– Thể hiện các thông tin về số lượng bơm, chủng loại bơm, vị trí đặt bơm, hướng bơm và phân vùng thi công và rút bơm.

b. Kế hoạch thi công.

– Dự trù thời gian và khối lượng đổ bê tông.

– Đặt bơm bê tông, bê tông tươi (nếu cần đổ bê tông bằng bơm).

– Sắp xếp nhân sự tiếp nhận bê tông tươi, trực tại vị trí đổ bê tông, kiểm tra cao độ, kiểm tra cốp pha.

– Sắp xếp đội thực hiện thi công (cào bê tông, đầm, làm phẳng).

– Sắp xếp công nhật tưới bảo dưỡng, che đậy mặt bê tông nếu trời mưa.

– Sắp xếp thiết bị phục vụ công tác đổ bê tông (ủng, cuốc, xẻng, bàn cào, máy đầm, xi măng, si ka, thước…).

c. Điện và nước thi công:

– Bố trí nguồn điện, nguồn nước thi công phù hợp, an toàn.

– Nguồn nước và hệ thống ống dẫn nước bảo dưỡng đủ đến toàn bộ diện tích đổ bê tông.

– Nguồn điện thi công và hệ thống đèn chiếu sáng (nếu thi công vào ban đêm).

d. Chỉ dẫn kỹ thuật.

– Hướng dẫn các đội bơm lắp đặt theo hướng đổ đã định.

– Hướng dẫn tưới sika tại các vị trí kết nối cho công nhân, vị trí nào tười loại gì, khi nào thì thực hiện.

– Hướng dẫn các đội tổ chức đổ bê tông, đầm bê tông.

– Hướng dẫn công nhật tưới bảo dưỡng bê tông.

e. Kiểm tra, nghiệm thu, xử phạt.

– Chuẩn bị các thiết bị kiểm tra, nghiệm thu đối với công tác bê tông.

– Chuẩn bị các phiếu dán mẫu bê tông.

– Các biểu mẫu biên bản hiện trường.

2. An toàn lao động.

– Khi đổ bê tông sàn trên cao phải thiết lập giàn giáo ngoài hoặc phải có lan can an toàn lao động.

– Phải chuẩn bị các biển hiệu, biển chỉ dẫn về ATLĐ.

– Khi đổ bê tông cột, tường và những kết cấu thẳng đứng cao trên 3m thì phải làm một sàn công tác rộng trên 1m có lan can cao 0.8m. Không được đứng trên các thành cốp pha của các cấu kiện trên.

– Không được đổ bê tông thành đống trên sàn, đổ đến đâu phải cào đến đó. Nếu cào không kịp phải dừng đổ bê tông.

– Dây điện thi công không được để chạm vào cốt thép trong quá trình thi công.

3. Trình tự thực hiện.

– Thiết lập bản vẽ tổ chức công tác bê tông và trình giám sát xem xét phê duyệt. Tùy theo cấu kiện, khối lượng đổ bê tông mà Ban ĐH công trình phải lên kế hoạch phù hợp.

– Làm việc và hướng dẫn cho các tổ đội (tổ bơm, tổ đổ bê tông, tổ công nhật, tổ điện nước).

– Tổ chức công tác bê tông tại hiện trường (lắp đặt bơm, chuyển thiết bị phục vục đổ bê tông lên đến vị trí đổ, nhận bê tông, bơm lên cấu kiện, đầm, kiểm tra cao độ và làm mặt…).

– Tưới nước bảo dưỡng.

– Nghiệm thu bề mặt sau khi tháo cốp pha.

– Theo dõi bảo quản mẫu và nén mẫu.

4. Nguyên tắc thực hiện

– Bê tông chỉ được thực hiện khi đã nghiệm thu xong công tác cốp pha, cốt thép.

– Luôn luôn có đầm dùi dự phòng. Đối với cấu kiện lớn không thể phân chia mạch ngừng thì khi đổ bê tông phải có bơm bê tông dự phòng và trạm cấp bê tông dự phòng.

– Khi đổ bê tông trên diện rộng phải đổ từ điểm xa rút về điểm gần với hướng rút bơm hợp lý.

– Không được để vị trí giáp mối bê tông trong cùng đợt đổ đã khô cứng hoặc đang ninh kết.

– Đối với cấu kiện lớn và dày phải đổ bê tông và đầm theo từng lớp.

– Đổ bê tông luôn luôn bố trí đội cốp pha túc trực, phòng kịp thời xử lý các sự cố về cốp pha có thể xảy ra.

– Trong quá trình đổ bê tông thì kỹ thuật phải theo sát diễn biến đổ bê tông để kiểm tra, giám sát và có những xử lý kịp thời.

– Tính toán và chốt bê tông khi khối lượng đổ gần hoàn thành.

III. Tổ chức làm việc.

1. Đối với các đội, kỹ thuật phụ trách phải thực hiện các công việc sau.

Cán bộ kỹ thuật Hoàng Gia RIC tại công trường.

– Làm việc với tổ lắp bơm để để hướng dẫn đặt và lắp bơm (nếu có).

– Làm việc với tổ đổ bê tông để lên kế hoạch công nhân. Kỹ thuật phải thông báo ngày giờ, khối lượng đổ để cho tổ đội đó sắp xếp công nhân.

– Làm việc với bộ phận điện nước phục vụ thi công của công trình để chuẩn bị nguồn nước, dây dẫn nước chuẩn bị dây điện, bóng đèn chiếu sáng trước khi tổ chức đổ bê tông.

– Làm việc với tổ đổ bê tông để hướng dẫn công tác đổ bê tông. Đổ bê tông ở đâu trước, thực hiện như thế nào, rút bơm, kiểm tra cao độ, đầm dùi…

– Làm việc với thủ kho để biết tình trạng vật tư thiết bị cần cho kế hoạch đổ bê tông, việc này phải được thực hiện trước ít nhất 3 ngày để có thể đặt vật tư nếu trong kho hết.

– Giải quyết các vấn đề về kỹ thuật tại khu vực phụ trách, nếu không giải quyết được thì phải báo cáo ngay với Chỉ huy Trưởng công trình.

– Xác nhận khối lượng, đề nghị thanh toán và đề nghị xử phạt (nếu có) đối với tổ đội đổ bê tông, xoa nền, đội bơm, đơn vị cấp bê tông.

– Gửi toàn bộ phiếu bê tông cho bộ phân phụ trách văn phòng.

2. Đối với Tư vấn giám sát, Ban QLDA kỹ thuật phụ trách khu vực phải thực hiện các công việc sau.

– Lập kế hoạch và biện pháp đổ bê tông và thông báo cho giám sát trước 24h.

– Phối hợp với giám sát, nghiệm thu bê tông khi cấp đến công trình.

– Đề nghị ký phiếu để dán lên tổ mẫu.

– Đề nghị giám sát chứng kiến nén mẫu khi tổ mẫu đến ngày cần kiểm tra.


Hy vọng bài đăng quy trình thi công, công tác đổ bê tông đã mang đến cho quý vị những tham khảo bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí.

Nội dung liên quan

Thi công đổ sàn bê tông cốt thép biệt thự 3 tầng 480m2
Quy trình thi công: Công tác bê tông

Công tác bê tông là một quá trình quan trọng trong xây dựng, liên quan đến việc chuẩn Xem thêm

Ép cọc bê tông cốt thép đến khi nào thì dừng lại
Ép cọc bê tông cốt thép đến khi nào thì dừng lại

Ép cọc bê tông cốt thép là một công đoạn quan trọng trong thi công móng cọc, đây Xem thêm

Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng
Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng

Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng bao gồm các hệ thống cấp thoát Xem thêm

Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng
Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng

Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng được thiết kế bằng vật liệu bê Xem thêm

Chiều cao tầng mặt đứng biệt thự Hoa Sữa, Vinhomes Riverside
Chiều cao tầng, thông thủy trong công trình

Chiều cao tầng là khoảng cách về cao độ mặt sàn giữa 2 tầng liên tiếp, còn chiều Xem thêm

Móng băng bê tông cốt thép, công trình tại Ba Vì
Móng băng bê tông cốt thép cho công trình nhà ở thấp tầng

Móng băng là hệ kết cấu móng sử dụng dầm và bản bê tông cốt thép chạy dọc Xem thêm