Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng

Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng

Tầng hầm là tầng nằm phía dưới mặt đất tự nhiên được bảo vệ bằng hệ kết cấu sàn và vách. Tầng hầm thường dùng là nơi để xe, là nhà kho cho hệ thống kĩ thuật công trình, cũng có thể là nơi bố trí các phòng giải trí như xem phim, bi a… Trong một số trường hợp, tầng hầm còn là giải pháp để tăng diện tích sử dụng, do chiều cao công trình bị giới hạn bởi các quy định của khu đô thị.

Do nằm dưới mặt đất, tầng hầm được cấu tạo đặc biệt hơn các tầng phía trên. Phần công trình tiếp xúc trực tiếp với đất nền (vách tầng hầm, sàn tầng hầm) được thiết kế bằng vật liệu bê tông cốt thép để đảm bảo chịu được áp lực đất và chống thấm.

Cấu tạo sàn, vách tầng hầm

Sàn tầng hầm

– Mô tả sàn tầng hầm: Là phần bê tông cốt thép nâng đỡ toàn bộ tải trọng có trên mặt bằng tầng hầm. Thông thường, sàn tầng hầm dưới cùng sẽ kết hợp cùng với phần móng thành 1 khối bê tông cốt thép. Sàn tầng hầm nói ở đây là bao gồm cả hệ dầm liền khối với sàn.

– Các lực tác động: Sàn tầng hầm chống đỡ toàn bộ tải trọng có trên mặt bằng tầng hầm đồng thời chịu thêm áp lực đẩy nổi từ nền đất phía dưới.

– Bố trí cốt thép: Sàn tầng hầm bắt buộc phải đặt 2 lớp thép, cấu tạo cốt thép cũng như với móng bè.

Thi công cốt thép sàn tầng hầm kết hợp làm móng.

Vách tầng hầm

– Mô tả vách tầng hầm: Là phần bê tông cốt thép thay thế cho các mảng tường gạch, nằm ở các đường biên (đường ngoài cùng) của ngôi nhà và chiều cao giới hạn trong phạm vi tầng hầm.

– Các lực tác động: Vách tầng hầm chịu áp lực đất và tải trọng từ các công trình xung quanh, các lực tác động này không giống như trọng lực mà tác động theo đường chéo. Có thể chia lực tác động này thành 2 phần theo phương ngang và phương đứng (phương pháp véc tơ). Phần lực theo phương ngang sẽ ảnh hưởng tới vách, còn phần lực theo phương đứng sẽ truyền xuống nền đất phía dưới. Lực tác động tỷ lệ thuận với chiều sâu công trình, phần chân vách sẽ chịu tác động lớn nhất. Ngoài ra, vách tầng hầm còn chịu tải trọng từ hệ dầm, sàn của tầng liền phía trên truyền xuống.

– Bố trí cốt thép: Vách tầng hầm cũng bố trí 2 lớp thép, cốt thép theo phương thẳng đứng nằm phía ngoài là thép chịu lực chính.

Vách tầng bán hầm sau khi dỡ cốp pha.



Biện pháp thi công sàn, vách tầng hầm

Thi công tầng hầm, công trình nhà phố hay biệt thự thường gặp bài toán về an toàn cho các nhà xung quanh và tránh sạt lở hố móng, đảm bảo an toàn trong quá trình thi công. Các biện pháp đảm bảo an toàn hay được áp dụng là:

Hố đào mở rộng

– Để thi công tầng hầm, đơn vị thi công đào đất mở rộng xung quanh phạm vị tầng hầm, tạo các đường dốc lên, xuống phục vụ quá trình thi công.

– Độ dốc xung quanh của hố đào phải nhỏ hơn độ dốc tự nhiên của đất (là độ dốc mà đất có thể đứng vững dưới tác động của trọng lực).

– Phương pháp này chỉ áp dụng được với công trình có quỹ đất rộng, đủ để thực hiện hố đào mở rộng.

Tạo lá chắn đất

– Trước khi thi công hố đào tầng hầm, đơn vị thi công tiến hành ép cừ thép hoặc thi công cừ vây bê tông cốt thép (đổ tại chỗ) xung quanh hố đào, tạo lá chắn đất bảo vệ công trình liền kề.

– Cừ thép sử dụng cho các công trình bán hầm hoặc chỉ 1 tầng hầm là cừ thép U200 (còn gọi là C200), công trình có từ 2 tầng hầm trở lên sẽ dùng cừ thép Larsen hoặc cừ vây bê tông cốt thép, thường dùng cho các toà nhà cao tầng.

Thi công sàn, vách tầng hầm kết hợp hố đào mở rộng và ép cừ thép tạo lá chắn đất.

Chống thấm sàn, vách tầng hầm

Các vị trí cần chống thấm

– Mạch ngừng thi công, là vị trí dừng đổ bê tông do thời gian trong ngày không đủ để đổ liên tục hoặc do bê tông chưa kịp vận chuyển tới công trường, cũng có thể là điểm dừng thi công đã được lên kế hoạch từ trước (ví dụ như điểm dừng thi công sau khi đổ sàn).

– Khe co giãn, là khoảng hở giữa các khối bê tông, dự phòng cho việc bê tông co giãn do nhiệt độ thay đổi.

– Sàn tầng hầm.

– Vách tầng hầm.

Hình minh họa các vị trí cần chống thấm sàn và vách tầng hầm.

Phương pháp chống thấm

– Đối với các vị trí mạch ngừng và khe co giãn, sử dụng băng cản nước tại vị trí dừng thi công, mục đích ngăn nước đi qua vị trí này. Một nửa băng cản nước nằm trong khối bê tông đổ trước và một nửa sẽ nằm trong khối bê tông đổ sau.

– Đối với dầm, sàn tầng hầm, thi công các lớp chống thấm lên bề mặt lớp bê tông lót đáy dầm, sàn và mặt bên trước khi thực hiện các công tác bê tông và cốt thép dầm, sàn tầng hầm.

– Đối với vách tầng hầm, chia thành 2 trường hợp:

+ Hố móng thi công có thể mở rộng ra phía ngoài công trình xây dựng, sử dụng phương pháp chống thấm ở mặt ngoài vách tầng hầm (phương pháp tốt nhất), là mặt tiếp xúc trực tiếp với nguồn nước có thể thấm vào nhà.

+ Hố móng thi công không thể mở rộng ra phía ngoài công trình xây dựng, sử dụng phương pháp chống thấm ở mặt trong vách tầng hầm (chống thấm ngược).

Hy vọng phần trình bày về vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng đã giúp quý vị có những tham khảo bổ ích, hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí cho các vấn đề liên quan đến thiết kế xây dựng tầng hầm, nhà ở gia đình.

Nội dung liên quan

Ép cọc bê tông cốt thép đến khi nào thì dừng lại
Ép cọc bê tông cốt thép đến khi nào thì dừng lại

Ép cọc bê tông cốt thép là một công đoạn quan trọng trong thi công móng cọc, đây Xem thêm

Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng
Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng

Hệ thống kỹ thuật trong tầng hầm nhà ở dân dụng bao gồm các hệ thống cấp thoát Xem thêm

Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng
Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng

Vách tầng hầm, sàn tầng hầm trong nhà ở dân dụng được thiết kế bằng vật liệu bê Xem thêm

Chiều cao tầng mặt đứng biệt thự Hoa Sữa, Vinhomes Riverside
Chiều cao tầng, thông thủy trong công trình

Chiều cao tầng là khoảng cách về cao độ mặt sàn giữa 2 tầng liên tiếp, còn chiều Xem thêm

Móng băng bê tông cốt thép, công trình tại Ba Vì
Móng băng bê tông cốt thép cho công trình nhà ở thấp tầng

Móng băng là hệ kết cấu móng sử dụng dầm và bản bê tông cốt thép chạy dọc Xem thêm

Thi công móng bè bê tông cốt thép
Móng bè nhà ở dân dụng, thiết kế – thi công

Móng bè là hệ kết cấu móng sử dụng dầm và sàn bê tông cốt thép phủ khắp Xem thêm