Cơ giới xây dựng trong thi công là một phần năng lực ngày càng gắn bó chặt chẽ với các công ty xây lắp công trình. Mức độ cơ giới hoá đòi hỏi ngày càng phải nâng cao để đáp ứng các yêu cầu về năng suất lao động. Bài viết này là trích dẫn “Mục 6: Cơ giới xây dựng” trong TCVN 4055:2012, tiêu chuẩn quốc gia về tổ chức thi công xây lắp các công trình xây dựng. Mời quý vị tham khảo.
Cơ giới xây dựng trong thi công xây lắp
1. Khi xây lắp, nên sử dụng phương pháp và phương tiện cơ giới có hiệu quả nhất, bảo đảm có năng suất lao động cao, chất lượng tốt, giá thành hạ, đồng thời giảm nhẹ được các công việc nặng nhọc.
Khi thực hiện cơ giới hóa các công việc xây lắp, phải chú trọng tới tính chất đồng bộ và sự cân đối về năng suất giữa máy chủ đạo và các máy phối thuộc.
2. Việc xác định cụ thể điều kiện và tính năng của máy chủ đạo và những máy phối hợp phải căn cứ vào đặc điểm của công trình, công nghệ xây dựng, tiến độ, khối lượng và điều kiện thi công công trình.
Việc đề ra biện pháp sử dụng và chế độ làm việc của máy phải căn cứ vào yêu cầu của công nghệ thi công cơ giới và phải tính toán tận dụng các đặc tính kỹ thuật của máy, có tính đến khả năng vận chuyển, lắp đặt, tháo dỡ tốt nhất có thể đạt được trên máy. Những thiết bị phụ, công cụ gá lắp được sử dụng trong công việc cơ giới hóa phải phù hợp với yêu cầu của công nghệ xây dựng, công suất và những tính năng kỹ thuật khác của các máy được sử dụng.
3. Việc lựa chọn những phương tiện cơ giới hóa phải tiến hành trên cơ sở so sánh các chỉ tiêu hiệu quả kinh tế của các phương án cơ giới hóa. Các phương án cần phải hợp lý về công nghệ và bảo đảm hoàn thành đúng thời hạn, khối lượng và công việc được giao. Mặt khác, phải tính những chỉ tiêu hao phí lao động khi sử dụng cơ giới và so sánh với các phương án sử dụng lao động thủ công.
4. Cơ cấu và số lượng máy cần thiết để thi công một công việc nhất định cần phải xác định trên cơ sở khối lượng công việc, phương pháp cơ giới hóa đã được chọn và khả năng tận dụng năng suất máy, đồng thời có tính đến trình độ tổ chức thi công, tổ chức sửa chữa máy của đơn vị.
Tỉ trọng công việc được thực hiện bằng máy trong khối lượng toàn bộ các loại công việc được tính theo công thức:
Nc x Tc
M = ———— x 100 (1)
Qm
Trong đó:
M là tỉ trọng công việc được thực hiện bằng máy, tính bằng phần trăm (%);
Qm là khối lượng toàn bộ các loại công việc, tính bằng mét khối hoặc tấn (m3, T…)
Nc là năng suất ca máy dự tính phải khai thác;
Tc là số ca làm việc của một loại máy trong toàn bộ thời gian thi công đã định.
Khi xác định năng suất ca máy và số ca làm việc của 10 máy, phải tính đến trình độ tổ chức công tác của đơn vị thi công và tình trạng kỹ thuật máy nhưng không được thấp hơn các định mức năng suất ca và định mức khai thác ca máy trong cùng thời gian đã được Nhà nước ban hành.
Nhu cầu toàn bộ về máy xây dựng là tổng số nhu cầu từng loại máy để thực hiện từng loại việc trong kế hoạch thi công.
5. Nhu cầu về phương tiện cơ giới, cầm tay được xác định riêng, theo kế hoạch xây lắp hàng năm của đơn vị thi công và theo chủ trương phát triển cơ giới hóa nhỏ của ngành chủ quản.
6. Mức độ cơ giới hóa các công tác xây lắp được đánh giá bằng các chỉ tiêu cơ giới hóa theo khối lượng công việc và theo lượng lao động thực hiện bằng máy như sau:
– Mức độ cơ giới hóa từng công việc xây lắp được xác định bằng tỉ trọng khối lượng công việc làm bằng máy so với tổng khối lượng của công việc đó (tính theo phần trăm);
– Mức độ cơ giới hóa đồng bộ của công việc xây lắp được xác định bằng tỉ trọng khối lượng công việc xây lắp được thực hiện bằng phương thức cơ giới hóa đồng bộ so với từng khối lượng của công việc xây lắp đó (tính theo phần trăm);
– Mức độ lao động cơ giới hóa được xác định bằng số lượng công nhân trực tiếp làm việc bằng máy so với tổng số công nhân trực tiếp làm các công việc bằng thủ công và bằng máy (tính theo phần trăm).
7. Mức độ trang bị cơ giới của các đơn vị xây lắp được đánh giá bằng các chỉ tiêu trang bị cơ khí và động lực sau:
– Mức độ trang bị cơ khí của đơn vị xây lắp được xác định bằng giá trị của máy xây dựng được trang bị so với tổng giá trị xây lắp do bản thân đơn vị thực hiện;
– Mức độ trang bị cơ khí của một công nhân xây lắp được xác định bằng giá trị của máy được trang bị tính cho một công nhân xây lắp trong đơn vị;
– Mức độ trang bị cơ khí còn được tính theo các thông số cơ bản của máy công tác (m3, tấn, mã lực) ứng với 1 triệu đồng xây lắp hoặc cho một công nhân xây lắp;
– Mức độ trang bị động lực cho một đơn vị xây lắp được xác định bằng tổng công suất các động cơ của những máy được trang bị (quy về KW) tính trên một triệu đồng giá trị xây lắp do bản thân đơn vị thực hiện;
– Mức độ trang bị động lực cho một công nhân xây lắp được xác định bằng tổng công suất các động cơ của những máy được trang bị (quy về KW) cho một công nhân xây lắp.
Khi tính các chỉ tiêu mức độ trang bị cơ khí và động lực, các số liệu về giá cả thiết bị, công suất máy, số lượng công nhân được lấy theo số trung bình của cả thời kỳ theo số liệu kế hoạch hoặc số liệu đã tổng kết.
8. Để đánh giá hiệu quả sử dụng máy, phải áp dụng những chỉ tiêu sau đây:
a) Chỉ tiêu sử dụng số lượng máy: là tỉ số giữa số lượng máy bình quân làm việc thực tế với số lượng máy bình quân hiện có;
b) Chỉ tiêu sử dụng máy theo thời gian, được xác định bằng các hệ số sau đây:
– Hệ số sử dụng thời gian theo dương lịch: là tỉ số giữa thời gian làm việc thực tế của máy với tổng số thời gian theo dương lịch trong cùng thời gian làm việc của máy (tính theo phần trăm);
– Hệ số sử dụng thời gian trong ca: là tỉ số giữa số giờ làm việc hữu ích với số giờ định mức làm việc của máy trong ca (tính theo phần trăm).
Ngoài ra, chỉ tiêu sử dụng máy theo thời gian có thể xác định bằng tỉ số giữa thời gian làm việc thực tế của máy có bình quân trong danh sách với thời gian làm việc được quy định trong định mức (tính theo phần trăm).
c) Chỉ tiêu hiệu suất sử dụng máy: là tỉ số giữa sản lượng thực tế của máy làm được với sản lượng định mức của máy trong thời gian tương ứng (tính theo phần trăm).
9. Để nâng cao hiệu quả cơ giới hóa trong xây lắp, cần phải:
a) Trong những điều kiện cụ thể, phải dùng những máy có hiệu quả nhất trong khả năng cho phép.
b) Kết hợp tốt giữa máy có công suất lớn với các phương tiện cơ giới nhỏ, các công cụ cải tiến và các phương tiện phụ trợ thích hợp khác;
c) Thường xuyên và kịp thời hoàn chỉnh cơ cấu lực lượng máy nhằm đảm bảo sự đồng bộ, cân đối và tạo điều kiện áp dụng các công nghệ xây dựng tiên tiến;
d) Thường xuyên nâng cao trình độ quản lý, trình độ kỹ thuật sử dụng và sửa chữa máy, chấp hành tốt hệ thống bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa máy như quy định trong quy định hiện hành;
e) Trang bị các cơ sở vật chất – kỹ thuật thích đáng cho việc bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa máy tương ứng với lực lượng máy được trang bị.
10. Máy dùng cho thi công xây lắp phải được tổ chức quản lý, sử dụng tập trung và ổn định trong các đơn vị thi công chuyên môn hóa. Các phương tiện cơ giới nhỏ và các công cụ cơ giới cầm tay cũng cần tập trung quản lý, sử dụng trong các đơn vị chuyên môn hóa. Các đơn vị này phải được trang bị các phương tiện cần thiết để làm công tác bảo dưỡng kỹ thuật công cụ cơ giới.
11. Khi quản lý, sử dụng máy (bao gồm sử dụng, bảo dưỡng kỹ thuật, bảo quản, di chuyển) phải tuân theo tài liệu hướng dẫn kỹ thuật của nhà máy chế tạo và của các cơ quan quản lý kỹ thuật máy các cấp.
12. Công nhân vận hành máy phải được giao trách nhiệm rõ ràng về quản lý, sử dụng máy cùng với nhiệm vụ sản xuất. Phải bố trí công nhân vận hành máy phù hợp với chuyên môn được đào tạo và bậc thợ qui định đối với từng máy cụ thể.
13. Những máy được đưa vào hoạt động phải bảo đảm độ tin cậy về kỹ thuật và về an toàn lao động. Đối với những xe máy được quy định phải đăng ký về an toàn trước khi đưa vào sử dụng, phải thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký kiểm tra theo quy định của cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước.
14. Để đảm bảo máy xây dựng và phương tiện cơ giới hóa nhỏ thường xuyên trong tình trạng hoạt động tốt, phải thực hiện một cách có hệ thống việc bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa máy theo kế hoạch, bao gồm: bảo dưỡng kỹ thuật ca, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ, sửa chữa thường xuyên và sửa chữa lớn.
Thực hiện công tác bảo dưỡng kỹ thuật nhằm giữ gìn máy móc trong tình trạng sẵn sàng làm việc, giảm bớt độ mài mòn chi tiết, phát hiện và ngăn ngừa trước những sai lệch và hư hỏng, còn sửa chữa nhằm khôi phục lại khả năng làm việc của máy. Chu kỳ các cấp bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phải xác định theo tài liệu hướng dẫn của nhà máy chế tạo, có tính tới tình trạng thực tế của máy.
15. Việc bảo dưỡng kỹ thuật phải do bộ phận chuyên trách thực hiện. Trong đó, nên tổ chức các đội chuyên môn bảo dưỡng kỹ thuật cho từng loại máy.
16. Khi bảo dưỡng kỹ thuật hoặc sửa chữa, phải kiểm tra sơ bộ tình trạng kỹ thuật của máy bằng phương pháp cơ bản là chẩn đoán kỹ thuật. Trong quá trình chẩn đoán kỹ thuật, phải xác định được tính chất hư hỏng và dự đoán được năng lực còn lại của máy.
17. Khi sửa chữa thường xuyên, phải thay thế và phục hồi một số bộ phận máy và hiệu chỉnh máy. Kết quả sửa chữa thường xuyên phải bảo đảm khả năng làm việc chắc chắn của máy cho tới kế hoạch tiếp theo của một cấp sửa chữa. Công tác sửa chữa thường xuyên được thực hiện trong các xưởng của đơn vị sử dụng máy bằng lực lượng chuyên trách. Trong trường hợp cần thiết, có thể bố trí công nhân sử dụng máy tham gia sửa chữa. Việc sửa chữa thường xuyên tại chỗ làm việc của máy chỉ được tiến hành bằng phương pháp thay thế cụm.
18. Khi sửa chữa lớn, phải đảm bảo khôi phục lại tình trạng làm việc tốt của máy và phục hồi toàn bộ hoặc gần như toàn bộ năng lực thiết kế của máy, bằng cách thay thế hoặc phục hồi các bộ phận của máy kể cả các bộ phận cơ bản, điều chỉnh toàn bộ và chạy thử. Công tác sửa chữa lớn được thực hiện ở những trung tâm mà tổ chức và công nghệ phải đảm bảo phục hồi tình trạng kỹ thuật gần như máy mới. Trường hợp sửa chữa máy với số lượng ít, có thể tiến hành ở những xưởng của đơn vị sử dụng máy và phải có sự hợp tác với các trung tâm trong việc tổ chức sửa chữa từng cụm máy.
19. Những công ty có máy xây dựng được ghi trong bảng tổng kết tài sản cố định, phải lập kế hoạch bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa phòng ngừa.
Phải căn cứ vào tài liệu hướng dẫn của nhà máy chế tạo và tình trạng kỹ thuật thực tế của nhà máy và kế hoạch thi công để lập kế hoạch năm và kế hoạch tháng về bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa máy xây dựng.
Chú thích:
Những chỉ tiêu định mức phí tổn bình quân về lao động, định mức thời gian bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa máy do các cơ quan quản lý biên soạn và thường xuyên được hiệu chỉnh cho phù hợp với sự hoàn thiện kết cấu cũng như công nghệ sử dụng và sửa chữa máy xây dựng.
20. Để thực hiện công tác bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa các phương tiện cơ giới hóa và tự động hóa khác, các trạm bảo dưỡng kỹ thuật máy, các công trình xa để sửa chữa thường xuyên và bảo dưỡng kỹ thuật tại nơi làm việc, các trạm nhiên liệu dầu mỡ, nơi đổ máy, kho vật tư và phụ tùng thay thế, những phương tiện chuyên dùng để vận chuyển máy, nhiên liệu và dầu mỡ.
21. Trong quá trình sử dụng máy từ lúc bắt đầu đến lúc thanh lý, đơn vị sử dụng máy xây dựng phải bảo đảm ghi chép:
– Khối lượng công tác thực hiện và thời gian máy làm việc, số lần bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa, số công và số tiền chi phí của mỗi lần;
– Những sai lệch và hư hỏng trong vận hành máy, việc thay thế các chi tiết máy và những thay đổi kết cấu máy trong thời gian sử dụng và sửa chữa, tiêu hao nhiên liệu, dầu mỡ, vật liệu và phụ tùng thay thế.
Những số liệu trên đây phải được ghi chép đầy đủ vào lý lịch của từng máy và bảo quản cẩn thận.
Hy vọng phần trích dẫn “Cơ giới xây dựng trong thi công xây lắp” đã mang đến cho quý vị những thông tin bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí.