Công tác sơn phủ bề mặt tường và trần nhà là công tác hoàn thiện trong xây dựng – thi công nghiệm thu công trình. Công tác này cần tuân thủ các quy định áp dụng cho nhà ở dân dụng trong tiêu chuẩn Việt Nam “TCVN 5674:1992”. Bài đăng này là trích dẫn “Mục 8: Công tác sơn phủ bề mặt” trong tiêu chuẩn nêu trên. Mời quý vị tham khảo.
Thi công sơn tường và trần nhà biệt thự tại Ninh Bình.
Công tác sơn phủ bề mặt tường và trần nhà
1. Công tác sơn phủ bề mặt bao gồm quét dung dịch vôi, vôi xi măng và sơn dầu các loại. Đối với những kết cấu hay công trình có yêu cầu đặc biệt về chất lượng công tác sơn phủ sẽ được thực hiện theo chỉ dẫn riêng hay theo chỉ dẫn thiết kế.
2. Trước khi tiến hành sơn hay quét vôi bề mặt bên trong và bên ngoài công trình, cần hoàn thành những công việc sau:
– Lợp xong mái, mái đua, thi công xong ban công, lô gia, lan can, sàn, các lớp chống thấm, hệ thống thiết bị kĩ thuật trong nhà như ống dẫn và thoát nước ống thông hơi đường dẫn điện thoại, điện chiếu sáng, vật chôn ngầm…
– Lắp xong các cửa sổ, cửa đi.
– Hoàn thiện công tác trát, lát, ốp, lắp kính, lắp và trát trần, lắp thang phòng hỏa…
– Kiểm tra và sửa chữa những chỗ có khuyết tật trên bề mặt kết cấu cần sơn, quét vôi.
3. Trường hợp sơn, quét vôi lại công trình cũ để bảo dưỡng hay cải tạo phải cạo và đánh sạch lớp vôi cũ, trát phẳng các vết lỏng lở, lồi lõm và những khuyết tật khác.
4. Không cho phép tiến hành công tác sơn mặt ngoài công trình trong thời tiết có mưa và kết cấu còn ướt, khi có gió với tốc độ lớn hơn 10 m/giây. Màu sơn vôi ở mặt ngoài công trình phải bền, chịu được thay đổi thời tiết và không biến màu.
5. Trong thiết kế cần quy định vị trí cần sơn hoặc quét vôi và màu cụ thể. Khi thiết kế không có chỉ dẫn thì việc chọn loại sơn vôi và màu được thỏa thuận giữa bên A và bên B theo các mẫu hiện có hoặc theo các công trình tương tự.
6. Tùy theo dung môi hòa tan, bột màu phải hòa tan được hoàn toàn, phải đúng tỷ lệ. Bột màu không được biến màu khi hòa tan trong dung môi.
7. Tất cả các loại bột màu, dung dịch màu, dầu pha sơn, vôi, các loại sơn cũng như các bán thành phẩm khác của sơn (kể cả sơn vôi, sơn tổng hợp…) đều phải được bao gói cẩn thận có kèm theo nhãn hiệu và hướng dẫn sử dụng. Khi bao gói bị hư hỏng, mất nhãn và có nghi ngờ về chất lượng cần phải đem kiểm tra trước khi sử dụng để xác định độ dẻo, độ dính bám, độ sệt và các tính chất khác của sơn.
8. Tất cả các loại sơn vôi, sơn vôi – xi măng nhất thiết phải được lọc qua các mắt lưới tiêu chuẩn trước khi sơn lên kết cấu. Nên sử dụng các kết cấu chuyên dùng để khuấy lọc dung dịch vôi tại hiện trường.
9. Việc sử dụng sơn dầu, sơn tổng hợp và các bán thành phẩm dầu pha sơn… phải thực hiện đúng quy trình pha chế và tỷ lệ theo hướng dẫn ghi trên nhãn bao gói hay hướng dẫn riêng cho từng loại sơn.
10. Bề mặt cấu trúc trước khi sơn, quét vôi phải làm sạch bụi bẩn, các vết dầu mỡ, vôi vữa. Những vị trí có vết ố không thể tẩy sạch có thể dùng sơn lót silicat hay dung dịch thủy tinh kali (tỷ lệ 1/3) hòa với bột silicat màu trắng. Với mặt gỗ cần sơn có chất lượng cao, mặt gỗ phải đánh giấy nhẵn cho nhẵn, những kẽ nứt hay vết lõm khuyết tật phải trát mát tít trước khi đánh giấy nhám. Khi mặt gỗ khô mới được sơn.
11. Những chỗ tiếp giáp giữa tường ngăn và cửa đi, tủ tường và tường chịu lực, trần, chỗ tiếp giáp giữa các kết cấu bằng các vật liệu khác nhau cần phải gắn bằng loại mát tít không có lót. Trong một số trường hợp ở những chỗ mạch nối tiếp giáp có thể dùng nẹp phụ, ghim tự do vào tường để khi công trình có biến dạng lún các vết nứt xuất hiện sẽ được nẹp che kín.
12. Bề mặt gồ ghề của kết cấu phải được gia công bằng phẳng bằng cách trát vữa hay mát tít. Những vết nứt cho phép trên kết cấu phải được trát mát tít với độ sâu không lớn hơn 20 mm.
Tùy thuộc vào chất lượng và độ bằng phẳng, độ nhẵn của kết cấu cần sơn, có thể chia ra làm 4 nhóm sau:
Nhóm I: Bề mặt có độ phẳng, nhẵn đạt tiêu chuẩn, không cần gia công trước khi sơn;
Nhóm II: Bề mặt phải gia công các vết lồi lõm và trát kín mát tít các vết nứt chiếm 15% diện tích sơn;
Nhóm III: Bề mặt phải gia công các vết lồi lõm và trát kín mát tít các vết nứt chiếm 35% diện tích sơn;
Nhóm IV: Bề mặt trước khi sơn phải gia công toàn bộ 100% diện tích sơn bằng trát phủ các vết lồi lõm và các vết nứt bằng vữa hay mát tít.
Bề mặt kết cấu bê tông, bê tông cốt thép lắp ghép chế tạo tại nhà máy phải có độ phẳng nhẵn đạt yêu cầu, không cần gia công lại trước khi sơn.
13. Khi tiến hành sơn trong các phòng ở, phòng làm việc… Nếu hỗn hợp sơn có tính độc hại và hơi độc thải ra có hại cho sức khỏe của con người, phải có trang bị bảo hiểm và chỉ sau khi sơn khô, quá trình thải hơi độc kết thúc, mới cho phép người vào sử dụng phòng đó.
14. Khi tiến hành công tác sơn cần tuân theo quy trình sơn các lớp, thời gian ngừng giữa các lớp sơn trung gian và lớp sơn ngoài cùng bảo đảm thời gian cho khô sơn, tăng độ bóng bề mặt và độ bám dính của sơn vào kết cấu. Mỗi lớp sơn sau chỉ được tiết hành sau khi lớp trước đã khô và đóng rắn. Trình tự sơn đối với công trình chịu tác dụng của môi trường ăn mòn được tiến hành theo tài liệu hướng dẫn riêng.
15. Trước khi sơn cần xác định độ ẩm của bề mặt kết cấu. Đối với kết cấu bê tông, bê tông cốt thép và thạch cao, độ ẩm không được quá 8%, kết cấu gỗ – không quá 12% nếu dùng các loại sơn dầu. Khi dùng các loại sơn vôi, vôi xi măng và một số loại sơn tổng hợp khác, cho phép độ ẩm của bề mặt kết cấu cao hơn và tuân theo chỉ dẫn của thiết kế.
16. Các thiết bị vệ sinh, đường ống các loại, lò sưởi và các kết cấu bao che cần phải sơn theo đúng chỉ dẫn của thiết kế bằng các loại sơn chống rỉ và sơn dầu. Khi sơn các đường ống dẫn và thoát nước, hệ thống lò sưởi cần phải xả nước và hơi nước ra khỏi hệ thống đường ống. Màu sơn các ống kĩ thuật phải theo đúng chỉ dẫn của thiết kế. Nếu hệ thống đường ống có bọc bảo ôn, trước khi bảo ôn phải sơn chống rỉ, màu sơn phủ lớp ngoài bảo ôn phải được sơn đúng màu quy định. Lớp sơn ngoài cùng lớp bảo ôn phải bảo đảm chống thấm không cho nước làm giảm tác dụng của lớp bảo ôn.
17. Khi đánh bóng sàn gỗ bằng vécni phải tiến hành ít nhất là 2 lớp. Trước và sau khi đánh bóng mỗi lớp cần phải đánh sàn sạch sẽ và bóng.
18. Việc nghiệm thu công tác sơn chỉ tiến hành sau khi bề mặt sơn đã khô hoàn toàn và đóng rắn.
19. Chất lượng công tác sơn sau khi nghiệm thu công trình phải thỏa mãn những yêu cầu sau:
– Bề mặt sơn phải cùng màu, không có vết ố, đường danh giới giữa các diện tích sơn không có vết tụ sơn, chảy sơn hoặc vón cục. Trên mặt kết cấu, không có những vết loang lổ làm ảnh hưởng đến màu sắc và độ bóng công trình. Những vết hay đường hàn do chổi quét sơn tạo nên chỉ cho phép đối với những kết cấu có yêu cầu sơn thô nhưng không được lộ rõ khi đứng nhìn ở vị trí cách bề mặt sơn là 3m. Trường hợp này chỉ cho phép đối với mặt quét vôi hoặc nước vôi xi măng.
– Bề mặt sơn dầu, sơn tổng hợp và véc ni phải mịn bóng và đồng màu, không cho phép lộ màu của lớp sơn lót phía dưới, không được có vết ố, vết chảy, tụ sơn hay đứt đoạn về màu sắc, độ dày mỏng và vết chổi sơn…
– Các đường ranh giới giữa hai diện tích sơn có màu khác nhau phải sắc gọn, theo đúng thiết kế về màu sắc, vị trí và hình vẽ. Độ sai lệch cho phép về kích thước không được quá 5 mm khi sơn thô; 2 mm – khi sơn chất lượng cao.
– Những đường viền bao màu sơn, đường viền khung cửa hay các hình vẽ trang trí phải có cùng chiều rộng, đồng màu trên suốt chiều dài, không có vết đứt đoạn, không lộ rõ nét gẫy và loang lổ.
– Khi sơn bằng phương pháp sơn vẩy, sơn lăn tạo hình hoa văn trang trí phải tạo lên các hình đồng đều về màu sắc và kích thước, không cho phép hoa văn bị đứt đoạn, có vết ố và vết chảy cục của con lăn qua những vị trí tiếp giáp hay mối nối giữa các kết cấu.
Hy vọng bài đăng về công tác sơn phủ bề mặt tường và trần nhà hoàn thiện theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN 5674:1992 đã mang đến cho quý vị những tham khảo bổ ích. Hãy gọi chúng tôi để được giải đáp mọi thắc mắc và nhận những tư vấn hoàn toàn miễn phí.